Chẳng ai trong cái xóm nghèo này là không biết bố con ông lão nọ. Người cha vừa đi bán vé số, vừa bán báo dạo hàng ngày để kiếm bữa cơm bữa cháo nuôi đứa con trai tật nguyền. Người con dù đã 25 tuổi vẫn ngẩn ngơ như đứa trẻ lên 3. Có người chép miệng bảo: Chẳng hiểu kiếp trước ông ấy ác cỡ nào mà giờ bị quả báo, đày ải khổ như thế.
Tất cả đều không lọt vào tai ông. Hàng
ngày, ông vẫn cần mẫn dậy từ sớm luộc hai củ khoai lang, đưa thằng con
một củ và ông nhét củ còn lại vào trong chiếc túi bố thủng lỗ chỗ, cáu
đầy ghét và bắt đầu cuộc hành trình lang thang khắp nẻo đường của Thủ
đô. Đứa con trai được một bà lão không con chăm sóc hộ. Ông thường nhặt
nhanh mọi thứ còn dùng được trên đường mang về, khi thì cái quạt cũ, lúc
cái bàn gãy chân. Ông lại sửa chữa lại.
Ngôi nhà tồi tàn của hai bố con trông thế
nhưng không đến nỗi. Mọi người trong xóm cảm động trước hoàn cảnh hai
cha con. Thỉnh thoảng họ cho ít tiền, vậy mà ông không bao giờ nhận. Có
kẻ bảo: “Ông già hâm!” hay “Nghèo rồi còn sĩ!”, “Gàn dở đến thế là
cùng!”. Nhưng ông vẫn nhất mực giữ vững thái độ kiên quyết của mình.
Đúng là ông sĩ diện, lòng tự trọng không
cho phép ông nhận vì ông luôn cho rằng mình còn khỏe, còn làm được thì
không lý gì đi nhận tiền của người khác. Ông chỉ vui vẻ nhận thức ăn của
một vài người bạn nghèo bên cạnh nhà. Họ là những người tuy nghèo nhưng
đầy tình nghĩa.
Nhờ có những người hàng xóm đó, hai cha
con ông mới ổn định được chỗ ở, không phải ngủ dưới gầm cầu như trước
nữa. Ông chăm chỉ đi bán báo và vé số mỗi ngày bất kể trời nắng hay mưa.
Ông chắt chiu từng đồng với mong ước một ngày nào đó chữa khỏi bệnh cho
con.
Như lời ông kể, hồi còn trẻ vì quá say
sưa kiếm tiền ở xa, ông đã không có thời gian dành cho con trai. Đến năm
thằng bé 7 tuổi, nó bị một cơn sốt cao làm ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Vợ ông vì
hận chồng đã bỏ nhà đi. Người ta gọi ông về. Nhìn đứa con trắng trẻo
hồng hào mà chẳng biết gì, ông xót xa vô cùng. Ông lao đầu vào rượu chè,
gái gú mặc cho con trai sống dở chết dở không người chăm nom.Chỉ đến
khi ông bị một người phụ nữ lừa hết cả tiền bạc, ông mới sực tỉnh. Ông
gần như kiệt sức vì rượu và vì suy sụp tinh thần. Nếu không bởi thương
con, hẳn ông đã tự tử. Ông thầm lên kế hoạch như thế. Tiếng gọi ú ớ non
nớt, yếu đuối cộng thêm nét mặt lo lắng, sợ hãi của con làm trái tim
người cha đau đớn, bị giằng xé khôn nguôi. Nó chính là động lực thúc đẩy
ông quyết tâm cai rượu và làm lại từ đầu.
Nói với con tôi là tôi rất yêu nó!
Những ngày phải chui lủi sống ở xó chợ,
gầm cầu quả là khổ cực. Ông dẫn con lê lết dưới cơn mưa phùn lạnh giá để
xin vài đồng bạc lẻ, một chút cơm nguội cho con, còn cha thì nhịn.
Ngày Tết, nhà nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, ông chỉ biết ôm con vào lòng cùng vượt qua cơn đói cồn cào.
Ngày Tết, nhà nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, ông chỉ biết ôm con vào lòng cùng vượt qua cơn đói cồn cào.
Thằng bé rất thương cha nó. Một lần, ông
bị toán thanh niên mua vé số không trả tiền đánh cho tơi tả, thằng bé
bình thường ngơ ngẩn thế mà hôm đó cũng cúi xuống che cho cha, ú ớ phản
đối. Đêm đó, hai cha con ôm nhau khóc ròng.
Thấy con thỉnh thoảng lôi báo cũ ra xem,
ông vui không gì tả xiết. Ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Từ đó, mỗi
buổi tối ông kiên nhẫn “học” cùng con từng chữ. Nó là đứa trẻ không bình
thường nên nhớ nhớ quên quên, chữ đọc được chữ lại không nên chật vật
lắm ông mới dạy con nhớ được vài từ mới suốt từng ấy năm trời.
Có đêm, ông thức trắng vẽ hay khắc cho
con thật nhiều hình con vật để nó nhận biết. Trời cũng không phụ lòng
người, nó dần nhận ra các sự vật xung quanh. Nó có vẻ lanh lợi hơn. Ông
cũng dần già đi. Tóc ông giờ đã bạc trắng, đôi tay nhăn nheo.
Ông bắt đầu làm việc cật lực hơn. Ông
nhận thêm các việc đan giỏ cho một gia đình bán hàng mây tre. Hàng ngày,
ông cặm cụi đến tận nửa đêm. Nhờ sự khéo tay, tính cẩn thận nên hàng
ông làm ra được chủ thuê và khách hàng rất thích.
Hôm nay, ông nhận được tiền công. Ông mua một chiếc bánh bao rất to. Suốt chặng đường về, ông háo hức khi nghĩ tới lúc trông thấy con trai ăn cái bánh thật ngon lành.
Ông vừa lóe ra ý tưởng táo bạo, rằng một
ngày nào đó không xa ông sẽ có tiền mở một cửa hàng hay nhà máy xuất
khẩu hàng mây tre đan, do chính tay ông và những người bạn khéo tay của
ông làm nên. Vừa đi ông vừa huýt sáo.
Đột nhiên từ đâu một chiếc xe máy lao nhanh, đâm sầm vào ông. Chiếc túi xách cũ nát bị hất tung lên trời. Ông bị đẩy, bắn xa cả trăm mét và rồi nằm sóng soài trên nền đất. Mắt ông đờ đờ, môi ông chúm chím như thể vẫn đang huýt sáo. Bàn tay nắm chặt chiếc bánh bao mà ông đang định tặng con, điều bất ngờ nho nhỏ. Chiếc túi xách rơi xuống, miếng bánh mì thừa lúc chiều ông nhặt được văng vào góc vỉa hè.
Mọi người xúm đông, xúm đỏ xung quanh ông
già. Khó khăn lắm ông mới thều thào được một câu: Nói với con tôi là
tôi rất yêu nó. Ông chỉ kịp dúi chiếc bánh bao vào tay người ở gần ông
nhất rồi lịm đi. Người ta tìm thấy trong chiếc rương gỗ của ông có một
chiếc hộp nhỏ. Nếu không nói ra, khó ai có thể ngờ được bên trong là hơn
20 triệu đồng. Ông đã tiết kiệm, chắt chiu nhiều năm để dành dụm cho
con. Đứa con trai vẫn nghịch đồ chơi siêu nhân cha làm cho nó.
Thỉnh thoảng nó bật cười khanh khách. Nó
chạy xung quanh mọi người, rất ngạc nhiên khi thấy ai đó khóc. Nó cũng
chẳng hề quan tâm, người đàn ông nằm trong cỗ quan tài kia là ai. Nó ngó
vào nhìn rồi chạy đi, lúc sau nó lại chạy vào lay lay người ấy rủ chơi
cùng.
Thật kỳ lạ, bất chợt nó mếu máo gọi: Cha ơi!
Nó khóc thật to, không ai dỗ nổi. Người
ta mặc áo tang vào cho nó, đưa nó chiếc gậy và chỉ nó cách đi theo tục
lệ. Nó làm như cái máy. Dường như trên bức di ảnh, người cha đang mỉm
cười. Ông vui vì giờ đây con ông đã được đưa vào nhà tình thương dành
cho trẻ em mồ côi chứ không phải một thân một mình khi ông đi xa. Linh
hồn người cha tội nghiệp hòa cùng khói trầm đang ngào ngạt tỏa ra, bay
lên không trung.
-- st--
0 comments:
Post a Comment