Hôm rồi mình đọc được status “ức chế cuộc đời” của một người bạn. Mà đó lại là một người mình có cảm tình đặc biệt (thực ra là người yêu cũ của mình) nên mình rất lưu tâm. Mình nhắn tin hỏi bạn ấy coi có việc gì, thì được bạn tâm sự chuyện gia đình, phát sinh mâu thuẫn giữa bạn và cha của bạn.
Vậy là giữa đêm, mình vẫn phải miệt mài
“nói chuyện” đến mỏi cả tay qua tin nhắn. Tất cả chì vì mình sợ rằng nếu
không khéo léo, rồi sẽ có lúc bạn phải ân hận giống mình. Một sự ân
hận, một nỗi đau mà suốt cả cuộc đời mình sẽ không thể nào thay đổi
được.
Mình không hỏi kĩ, và cũng không nghi ngờ
nỗi đau mà bạn đang gánh phải. Mình cứ mặc nhiên cho rằng tất cả những
gì bạn đang tâm sự với mình là hoàn toàn sự thật. Mình thậm chí còn cho
rằng có thể những nỗi đau mà bạn có thể kể ra chỉ bằng 1/10 nỗi đau mà
bạn thực sự đang chịu đựng. Mình thậm chí còn cho rằng có thể những hành
vi sai trái mà ba của bạn đang mắc phải chỉ “xấu xa” bằng 1/10 so với
thực tế mà vì bạn quá xấu hổ chẳng dám nói ra.
Nhưng bạn ơi, cho dù cha bạn có xấu xa
như thế gấp một trăm, một ngàn lần đi nữa thì đó vẫn là cha của bạn. Đó
là một thực tế “đau đớn” mà không ai trong bất cứ chúng ta có thể thay
đổi được. Kể từ khi chúng ta được mẹ sinh ra trên cõi đời này, thì chúng
ta đã gánh món nợ ân tình, ơn nghĩa sinh thành và sau này là công lao
dưỡng dục của cả cha lẫn mẹ. Nếu không có công lao trời biển ấy, chúng
ta có đủ hình hài, có được tồn tại được trên đời để bây giờ ngồi phán
xét hay không?
Thật may là người bạn đó đủ thân tình để
hiểu hết và hiểu đúng đến từng ngóc ngách những khổ đau trong cuộc đời
mình. Để bạn tin rằng những nỗi đau mà bạn đang gánh chịu so với mình
thì còn nhẹ nhàng nhiều lắm. Bạn cũng đủ đồng cảm để tin rằng có những
thời điểm mình “hoàn toàn đúng” khi phát sinh lòng thù hận với cha. Và
với những người thân thuộc, họ còn cho rằng sự thù hận như vậy là quá
nhẹ so với những gì mình chịu đựng.
Mình cũng cho rằng mình luôn đúng. Mình
tuyệt đối đúng. Cho tới một ngày mình cảm thấy những vết thương ngày xưa
nay đã liền da. Những sai lầm, những khổ đau đã lui vào dĩ vãng. Cho
tới lúc mình cảm thấy tâm thế dửng dưng, cảm xúc trơ lì và mặt mày ráo
hoảnh trước những nỗi buồn trong quá khứ thì cũng là lúc trong lòng dâng
lên một nỗi niềm mất mát và ân hận đến không giấy mực nào tả nổi.
Bởi vì trong những lúc bị “đàn áp” và
“vùi dập” đến không thương tiếc, đã có nhiều lần mình “phản kháng”. Và
cứ thế, một bức tường vô hình đã được dựng lên ngăn cách cha con. Ban
đầu nó thật mỏng manh, nhưng nỗi đau cứ bện chặt vào và tình cảm lại bị
bào mòn đi một ít.
Tới khi mình đủ lớn, đủ va vấp và trải
nghiệm để có thể hiểu (dù chỉ một phần) những suy nghĩ ẩn giấu sâu xa
làm phát sinh những việc làm tiêu cực của cha ngày trước, để có thể nhẹ
nhàng nhắm hai mắt lại cho một giọt nước chảy ra và quên đi mọi chuyện,
sẵn sàng đào sâu chôn chặt quá khứ đau thương dạo trước thì cũng là lúc
mình bàng hoàng nhận ra tình cảm cha con không thể nào quay trở lại.
Mình bắt đầu một cuộc chạy đua không mệt
mỏi để phá vỡ bức tường vô hình mà ngày xưa chính mình là kẻ góp công
góp sức dựng lên. Nhưng điều đó là không đơn giản. Cho dù mình đã cố hết
sức và bằng mọi cách để quan tâm, lo lắng và yêu thương nhưng hai cha
con vẫn không thể đối xử với nhau một cách thực sự “bình thường”.
Nhìn cha ngày một già đi, bệnh tình ngày
càng thêm trầm trọng mà mình lại tự trách mình vô dụng. Có nhiều đêm
ngủ, nằm mơ thấy cha không còn nữa. Mình bơ vơ ôm di ảnh cha ngồi khóc
bên nấm mộ, giữa đồng không mông quạnh, không một bóng người, chỉ tê tái
một mùa gió chướng. Vào giây phút ấy, mọi lỗi lầm trong quá khứ của cha
đối với mình nhẹ như sương khói. Oán hận đã bay đi, chỉ còn tình yêu ở
lại.
Mình nói với bạn mà như tâm sự với chính
bản thân mình. Rằng tất cả chúng ta, ai ai cũng chỉ có một cha một mẹ.
Điều đó là bất biến, là thiêng liêng nhất và không gì có thể thay thế
được.
Không gì có thể thay thế được.
Lỡ mai này cha mẹ mất đi rồi thì chúng ta
sẽ mãi mãi là một “đứa trẻ” mồ côi. Cảm giác ấy mình may mắn đã được
gặp trong những giấc mơ. Và mình hiểu nó kinh khủng lắm. Nó cô đơn và
đau đớn lắm. Nó khiến chúng ta cảm thấy hối hận vì những tháng ngày
hoang phí không ở cạnh và không được nói tiếng yêu thương với mẹ với
cha.
Mình nói, và rồi gần như năn nỉ. Rằng “em
hãy hứa với anh đi, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được để lỡ
miệng nói ra bất cứ một lời nào có thể cắt đứt sợi dây tình cảm cha
con. Sợi dây đó bền chặt lắm nhưng cũng lại mong manh lắm. Và một khi đã
đứt rồi thì không gì, không gì có thể hàn gắn lại như ngày xưa được
nữa”.
“Em có thể buồn chán, giận hờn, oán trách
hay đau khổ. Và nếu những đau khổ mà em chịu đựng lớn đến mức có thể
khiến em gục ngã thì em có thể căm thù, có thể cho rằng mình không bao
giờ tha thứ, nhưng hãy cố gắng ĐỪNG BAO GIỜ NÓI RA CÂU NÓI ẤY. Đừng tự
tay dựng lên bức tường ngăn cách tình cảm cha con”.
Vì thời gian kì diệu lắm. Nó có thể chữa
lành mọi vết thương. Rồi sẽ tới lúc mọi khổ đau tan biến và chúng ta
muốn lại được chạy đến sà lòng vào cha mẹ, ôm lấy họ và cất lên tiếng
nói yêu thương. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể nào vung tay,
cất miệng để làm, để nói lên những điều như vậy. Thì đấy mới chính là sự
đau khổ lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
--- St---
0 comments:
Post a Comment