Đầu năm học, mẹ tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy xe qua trường Tiểu học, xem lớp con ăn và ngủ ở chỗ bán trú mới ra sao. Lúc đến cổng truờng, mẹ hết hồn vì thấy cả lớp con, mấy chục đứa con gái con trai lóc nhóc cặp nơ với áo quần đồng phục đáng yêu, đang chạy rầm rầm theo đuôi hai người ăn mày trước cổng truờng.
Mẹ dừng xe bên này đuờng theo dõi, thấy
con và các bạn xúm quanh hai người ăn mày, giúi hết thứ này đến thứ khác
cho họ. Các con đều có tiền lẻ một hai nghìn đồng, và hai người ăn mày
lấy hết tiền của các con rồi đứng đó chờ lớp khác xuống sân. Mẹ thấy con
gái cũng lôi ra cho tờ mười nghìn đồng mẹ dặn cất trong cặp, để đề
phòng cần gọi điện gấp cho bố mẹ thì ra quán tạp hóa cổng trường dùng
tiền đó gọi. Có bạn không thấy đưa gì, hai người ăn mày còn hất hàm và
đòi lục cặp. Khi cô giáo gọi, các con lại nối đuôi nhau chạy rầm rập vào
trong sân trường để ăn trưa.
Ngày hôm sau, mẹ lại qua trường con, giờ
ăn trưa, cổng trường không mở, nhưng hai người ăn mày đã kiên trì đứng
đó rồi. Và các con ùa ra như một đàn chim, bấu vào song sắt cổng truờng
ríu rít, và lại có bao nhiêu tiền lẻ trong cặp lại cho hết người ăn mày.
Mẹ lập tức bấm điện thoại gọi cho cô giáo. Một phút sau cô giáo xuất
hiện xua các con vào ăn trưa. Mẹ lên xe đi, trong lòng băn khoăn nghĩ
miên man.
Mẹ không thể ngăn gương mặt háo hức, sung
sướng của con gái và các bạn khi cho tiền người ăn mày. Ngoài lớp con
ra còn những lóp học khác. Nhưng làm sao giải thích với con rằng, người
ăn mày ấy đang lấy cớ nghèo đói bần hàn và lạm dụng lòng thương hại của
các con để mưu lợi? Và họ đang dùng lòng thiện tâm ngây thơ của các con
như một con tin bị bắt cóc, để buộc các con trả tiền chuộc, dù chỉ là
những đồng lẻ ít ỏi hàng ngày? Làm sao giải thích được họ đâu có đói
khát, họ chỉ hòng lấy tiền mà thôi, cho dù các con dành cho họ cả suất
cơm ngon, xúc xích bánh kẹo sô-cô-la các con coi là của báu, thì họ cũng
vứt trả lại?
Có lẽ khi nào con lớn hơn, con chia tay
trường Tiểu học, hoặc con vào Đại học, một ngày nào đó mẹ sẽ nói. Mẹ sẽ
bảo rằng, có những khi con cũng cần phải học cách nói Không, để bảo vệ
chính bản thân mình.
Trưa chủ nhật, hai mẹ con đang ngồi xem
Disney Channel thì ngoài cửa có mấy người gọi với vào họ bảo họ đang đi
bán tăm cho Hội người mù, và xin gia đình từ thiện mua ủng hộ, nếu cho
thêm tiền càng tốt. Mỗi hộp tăm được bán với giá đắt gấp mười lần giá ở
siêu thị.
Mẹ lịch sự mời họ đi, và nói, gia đình
tôi chưa có nhu cầu. Mẹ thấy rõ con gái mẹ rất ngạc nhiên và băn khoăn,
tới mức trong một khoảnh khắc, con quên cả bộ phim hay đang xem và đăm
chiêu suy nghĩ về việc mẹ từ chối Hội người mù.
Con còn quá nhỏ nên con không biết cách che giấu tâm trạng. Mẹ cũng đang quan sát con, vì mẹ sắp nói với con một sự thật.
Con gái hỏi: Tại sao mẹ cho người tàn tật bao nhiêu tiền mà lại không chịu mua tăm cho người mù, chỉ hết mười nghìn đồng.
Mẹ bảo, vì họ đang nhân danh yêu thương để lừa đảo chúng ta.
Mẹ giải thích, người mù cũng là người, họ
tuy khuyết tật nhưng họ chắc chắn có đầy đủ lòng tự trọng và sự khảng
khái như bất kỳ nguời lành lặn nào. Họ tự trọng nên họ đã tự làm ra sản
phẩm để sống bằng sức lao động của họ chứ không viện cớ mù để đi xin bố
thí của người khác. Vì thế, họ cũng sẽ bán sản phẩm đúng bằng giá trị
của nó.
Còn những người kia, họ đâu bán tăm, họ
đang đi xin bố thí đấy chứ. Và để xin được bố thí, họ đã lấy cớ người
tàn tật để kiếm chác, đồng thời xin thêm cả bố thí trên một hộp tăm bé
xíu đó. Vậy con có nghĩ người mù sẽ nổi giận nếu thấy kẻ mắt sáng đi xin
bố thí với danh nghĩa họ không?
Con gái gật gù, dù có thể con chưa thật
hiểu lý lẽ tráo trở của đời sống, tại sao có người mắt sáng lại phải ăn
bám theo danh nghĩa người mù như thế.
Mẹ nói, mẹ không bao giờ tiếc tiền để cho
người khó khăn, nhưng mẹ cho theo cách của mẹ, chúng ta không phải là
đã luôn trao tiền khi biết rõ nó được dùng thế nào, nó mang lại điều gì
cho nguời khó khăn kia, đúng không? Hoặc chúng ta trao tiền cho một tổ
chức mà ta tin rằng họ giúp đỡ công việc và cơ hội cho người nghèo, đúng
không? Ta tỉnh táo khi yêu thương, chứ đâu phải cứ rút tiền ra cho là
đã tốt, có khi lại trở thành mù quáng hoặc bị lợi dụng. Tiền từ thiện
cũng phải tiêu đúng chỗ, đúng người.
Đồng tiền tiêu đi theo cách ra sao, nó
không chỉ phản ánh túi tiền của ta nhiều hay ít, nó còn phản ánh nhận
thức của ta với cuộc sống.
***
Cuối năm đi họp phụ huynh cho con gái,
khi về, mẹ buồn lắm. Mặc dù con gái được cô giáo khen ngợi trước toàn
truờng bởi đã dành số tiền mừng tuổi đầu năm của con, một số tiền khá
lớn, tặng nhà trường để thầy cô giúp mua vở cho các bạn học sinh nghèo
của trường.
Mẹ buồn vì con gái đã giấu mẹ chuyện đó.
Có lẽ con nghĩ việc chia sẻ với nguời
khác, việc yêu thương người khác là thứ tự nhiên như hơi thở. Mẹ vẫn
luôn bàn bạc với con mỗi khi ta muốn giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn nào
đó trên báo chí. Mẹ vẫn luôn giải thích cho con việc mẹ dùng tiền để hỗ
trợ một em bé nào đó, tại sao em này bị bệnh ta chỉ gửi một lần tiền cho
em, tại sao em kia bất hạnh ta lại gửi tiền định kỳ cho em. Tại sao
người khác số phận bi thương quá nên ta không giúp tiền mà ta kêu gọi
mọi người cùng chung tay vào giúp đỡ.
Nên con mặc nhiên nghĩ việc chia sẻ bản
thân với người khác là nghĩa vụ của một con nguời, mà không nhận ra
rằng, trong hành trình đó, con đã quên mất mẹ.
Con đã không chia sẻ với mẹ câu chuyện
của con, dự định của con. Con đã không kể cho mẹ việc con làm. Điều này
làm mẹ bỗng dưng lo âu và tủi thân, như thể con đã không tin tưởng mẹ.
Hoặc như thể con bắt đầu chầm chậm bỏ rơi
mẹ khi con bắt đầu lớn lên, có chủ kiến riêng, có nhận định riêng và tự
quyết định lấy thái độ của con với cuộc đời.
Mẹ suy nghĩ rất kỹ trước khi nói chuyện
này với con gái. Bởi biết đâu con gái chỉ vô tâm cho rằng, đó là việc
quá nhỏ, khi mẹ luôn cho con tự quản lý và quyết định chi tiêu tiền cá
nhân từ rất sớm. Hay con gái chỉ nghĩ giản đơn rằng, nếu bàn với mẹ, hẳn
mẹ cũng vẫn ủng hộ cơ mà. Và nếu mẹ nói không khéo, bỗng dưng con gái
bé bỏng sẽ hối hận vì một việc tử tế con đã làm, thì sao?
Mẹ suy nghĩ kỹ bởi mẹ nghĩ, không rõ con
phải học thêm một chút về bài học yêu thương, hay chính mẹ mới là người
phải học thêm về yêu và thương?
-- St --
0 comments:
Post a Comment