Nơi này mưa không dột, gió không lạnh nhưng sao lại nhớ căn nhà của mẹ. Mẹ ơi, cảm ơn mẹ, con lúc nào cũng là của mẹ. Không thuộc về một ai khác.
***
Chiến tranh đi qua, mẹ tôi trở về làng
khi người thân không còn một ai. Bom đạn đã cướp đi tất cả gia đình, nhà
cửa nhưng không thể cướp đi nghị lực của người đàn bà đã từng vượt qua
lửa đạn.
Chiến tranh đi qua mà bom vẫn còn vang
lên đây đó, khiến cho những vành khăn trắng cứ ám ảnh mãi trên những con
đường quê. Xóm làng bảo mẹ kiếm lấy một người mà yên bề gia thất. Tuổi
xuân của mẹ bỏ lại ở núi rừng Trường Sơn, giờ hòa bình dường như việc
chồng con là một điều xa vời vợi. Nghĩ vậy nên mẹ tôi ở vậy cho đến một
ngày hàng xóm qua bảo: “Thôi, kiếm đại một đứa con mà nuôi, sau này trái
gió trở trời còn có nơi nương tựa”…
Tôi lớn lên trong mái nhà tranh, vách
đất. Những giấc mơ luôn thấy mình bị ướt sũng và lạnh, luôn nghe cái dạ
dày sôi vì đói. Cũng đúng thôi, khi những đêm cơn mưa đi qua, nơi hai mẹ
con ngủ thường bị nước mưa giọt xuống, ướt và lạnh. Mẹ bảo cái nhà này
là nhà tình thương. Cả làng thấy mẹ khó khăn nên huy động trai tráng
dựng nhà cho mẹ rồi cấp cho mảnh ruộng ít ỏi để sống “cầm hơi”. Những
ngày gió rít, cứ tưởng mái nhà tranh xiêu xiêu này không chống nổi cơn
thịnh nộ của đất trời. Thế mà vẫn đi qua những mùa đông khắc nghiệt hay
những cơn bão dữ. Mẹ bảo trời còn thương mình!
Có lẽ đi học là niềm vui của nhiều người.
Nhưng với tôi đi học là một sự tra tấn vô hình. Từ đường làng đến
trường tôi thấy tự ti với những học sinh ngang lứa. Nhà nó khá, giàu có
hơn mình, có ba có mẹ đầy đủ cũng là một điều đáng để tôi ngưỡng mộ; rồi
lại áo quần chúng đẹp, thơm tho chẳng có chỗ vá hay đứt chỉ như tôi. Ít
nhất đứa con gái nào ngang lứa tôi đều có cái kẹp tóc hình con bướm hay
sợi dây xanh đỏ trông thật bắt mắt. Riêng tôi, chỉ là sợi dây thun bán
năm trăm đồng cả nắm trong tay, xài cả năm trời vẫn không hết. Nhưng
những chuyện đó cũng khiến một đứa trẻ như tôi quên bẵng đi khi vùi đầu
vào giờ học dưới cặp mắt của ông thầy nghiêm nghị, lúc đó cái sự ghen tị
với chúng nó liền tan biến.
Sợ nhất là những lần ra chơi giải lao giữa giờ, những cặp mắt nhìn tôi
và nói: “Này đứa con hoang, này đứa ghẻ lở…”. Tôi khóc, không dám hé môi
với thầy, cô vì nghĩ làm vậy thì mình càng xấu hổ. Học về, tôi ném cái
túi ni long đựng sách vở lên bàn và lao vào buồng nằm khóc. Mẹ tôi đi
làm về nghe tiếng thút thít liền vào tra hỏi. Tôi là tài sản lớn nhất
của mẹ, nên khi nghe tôi khóc tưởng là bị ai đánh hay đau ốm gì. Mẹ vội
áp tay lên trán xem đầu có nóng không, cầm tay ôm tôi vào lòng rồi bảo
chuyện gì. Mẹ càng hỏi tôi càng khóc to hơn. Sau một hồi gặng hỏi tôi
mếu máo nói trong nước mắt, câu được câu còn: “Chúng bảo con là đứa con
hoang. Có phải không mẹ?”. Không trả lời, mẹ ôm riết tôi vào lòng chặt
hơn và bắt đầu khóc, khóc không thành tiếng nhưng những giọt nước mắt
nóng hổi lăn trên má tôi. Tôi nghe nước mắt mằn mặn, hai giọt nước mắt
đều mặn như nhau!
...
Ngày tháng trôi qua, tôi trở thành một
đứa gan lì, chai sạn với những lời của đám bạn cùng lứa, cũng như những
lần buôn chuyện của người làng. Không cần mẹ phải nói thì tôi cũng biết
tôi chẳng phải con đẻ mẹ. Hồi đó mẹ trở về làng sau năm tháng chiến
tranh. Xóm giềng mối lái mãi mẹ mới đến với một người đàn ông. Cả hai ở
với nhau một thời gian dài mà không có con nên người đó bỏ đi lên thành
phố sinh sống. Người làng bảo mẹ không thể sinh con vì di chứng của chất
độc màu da cam. Mẹ không buồn, tự nhủ ở vậy cho qua một đời người.
Cứ tưởng cuộc đời cô quạnh cứ thế trôi
qua, ai ngờ ủy ban xã gọi lên bảo mẹ nhận một đứa trẻ về nuôi. Đó là đứa
trẻ bị một người đàn bà bất hạnh chối bỏ, người ta tìm thấy dưới cây
hoa gạo đang kỳ trổ bông. Khuôn mặt đứa bé tím tái vì lạnh, ông chủ tịch
xã làm thủ tục cho mẹ nhận nuôi và đặt tên là Lúa, sau này làm giấy
khai sinh cải lại cho đẹp là Lụa. Đấy là tên của tôi, đứa trẻ bất hạnh
của một người đàn bà bỏ rơi và được một người đàn bà nuôi nấng.
Từ vòng tay của mẹ cùng với cơm mắm, sắn
khoai, tôi lớn đi học xa. Mẹ tôi ở nhà côi cút trong ngôi nhà lạnh vắng.
Tôi lên thành phố cũng là điều lo lắng với mẹ, mẹ sợ mất tôi. Sợ rằng
một ngày kia có một người đàn bà nào đó đến nhận mặt là mẹ ruột, rằng đã
đẻ ra tôi và sẽ mang tôi đi.
Mỗi lần có người cùng quê lên phố, mẹ đều
gửi quà cho tôi, đó là những củ khoai, củ sắn hay bánh đúc, bánh bột
lọc mà mẹ thức đêm làm. Họ bảo hôm nào mẹ cũng đưa cái áo cũ lúc học cấp
2 của tôi ra ngắm và vuốt ve. Họ bảo nhớ con nên mới làm thế. Tôi ôm
mặt khóc giữa một căn phòng xa lạ. Nơi này mưa không dột, gió không lạnh
nhưng sao lại nhớ căn nhà của mẹ. Mẹ ơi, cảm ơn mẹ, con lúc nào cũng là
của mẹ. Không thuộc về một ai khác.
0 comments:
Post a Comment