Con Gái vuốt thẳng những nếp áo, tô lên môi một chút son dưỡng, xoay một vòng tròn trước gương, Mẹ cười bảo :
- Đẹp đấy, nhưng cổ khoét sâu thế con?
Con Gái cười bảo Mẹ:
- Thời nào rồi mà còn kín cổng cao tường nữa mẹ à!
***
Mẹ không nói gì, Mẹ vào bếp chuẩn bị bữa
trưa. Con Gái vào theo, mở tủ lạnh lôi ra đĩa dưa hấu mẹ vừa gọt sẵn,
lấy một miếng đưa lên môi. Mẹ bảo:
“Ơ ! không sợ trôi mất son à”
Con Gái cười:
- Thỏi son người ta tặng bên Thái ý , trôi thế nào được “lão bà” ơi.
Mẹ giật mình:
- Thế à?
Con Gái hôn chụt lên má mẹ một cái:
- Con mà mẹ. À! Mà thôi con đi đây.
Con Gái càng lớn càng giống Mẹ, nhưng
xinh hơn Mẹ, vì con gái biết trưng diện. Con Gái có phước, được bác xì
nhiều tiền mỗi tháng, tháng nào cũng đi shopping, gà rán mỗi lần đi về
mang theo một đống quần áo mĩ phẩm thời trang đủ kiểu, thỉnh thoảng chợt
nhớ ra, Con Gái lại mua cho Mẹ khi thì một bộ quần áo, lúc lại vài mảnh
vải để Mẹ may bộ đồ, quần áo thì Mẹ chẳng mặc mấy, vì Mẹ ít đi đâu, hơn
nữa chẳng mấy khi Con Gái mua vừa người Mẹ, còn vải thì Mẹ mang ra hàng
chị thợ may đầu ngõ để may cho rẻ.
Nhìn con gái dắt xe ra khỏi cửa, nước hoa thơm phức, quần áo tung tăng, Mẹ gọi theo:
- Chiều có về ăn cơm không con?
Con Gái nghĩ ngợi:
- Cũng chưa biết được mẹ ạ, có gì con gọi điện sau.
Mẹ vớt lại mấy câu:
- Thế mẹ cứ để cho mày phần cơm với thức ăn nhé!
Con Gái cau mày:
- Thôi để con gọi điện sau, chứ con ăn rồi lại cứ để phần cơm, rồi bắt con ăn lại béo ra!
Nói xong Con Gái phóng xe đi mất, Mẹ đứng nhìn theo Con Gái một lúc rồi lại trở vào nhà.
Nhà có bốn người, đứa em nhỏ, bố hay đưa
đi học rồi ghé vào cơ quan ăn tiện thể ít khi ở nhà, chỉ có Mẹ và con
Gái quây quần. Mẹ đã quen với những bữa cơm chỉ có Mẹ và Con Gái. Nhưng
khi Con Gái đi học, Con Gái cũng vắng nhà. Con Gái thường về nhà khi tối
muộn. Lúc ấy cơm canh Mẹ để dành Con Gái thường đã nguội ngắt. Mẹ
thương Con Gái cả ngày cơm hàng cháo chợ , Mẹ thường hâm lại cơm canh
cho nóng. Những lúc ấy Con Gái ăn cơm như hoàn thành nghĩa vụ cực nhọc,
vì thường là Con Gái đã ăn ở đâu đó rồi mới về nhà.
Mẹ ở nhà một mình, lúc nào cũng mong cho
chóng đến ngày chủ nhật, vì khi đó Con Gái được nghỉ, Con Gái sẽ ở nhà
với Mẹ. Nhưng những ngày đó Con Gái lại thường tận dụng để mua sắm, để
chơi bời với bạn, hoặc có khi Con Gái nhận lời đi ăn, đi câu cá, cắm
trại với chúng bạn. Đôi khi mẹ khuyên, Con Gái cười hi hí và bỏ ngoài
tai.
Con Gái thích ăn bún riêu cua , ăn cá
rán, những Chủ Nhật Con Gái ở nhà, Mẹ mừng. Mẹ sẽ đi chợ từ sáng sớm, Mẹ
lựa cua, chọn thịt rồi gọi Con Gái vào chỉ dạy. Con Gái chỉ muốn Mẹ bảo
cho nhanh rồi lại tót vào nhà tám điện thoại với bạn, hoặc bật máy tính
lên và lướt net.
Mẹ nấu nướng xong xuôi, Mẹ mặc lên người
bộ đồ mới lấy từ nhà may về, Mẹ vào phòng con gái và hỏi Con Gái bộ này
có đẹp không. Con Gái đang dán mắt vào màn hình máy tính, bàn tay mải mê
rà chuột, trả lời bâng quơ:
- Cũng đẹp, sáng da đấy mẹ ạ.
Mặt Mẹ nhíu lại, bảo:
- Mày đi rồi , ở nhà mẹ mới hay may mặc cho vui, chứ mấy năm trước có mỗi vài bộ mặc đi mặc lại.
Con Gái xịu mặt :
- Giời ạ mẹ cứ hay ôn nghèo kể khổ!
Mẹ rất thích những giây phút êm đềm như
thế này bên Con Gái. Mẹ sai Con Gái nhổ tóc sâu cho mẹ. Con Gái mới đầu
chối lắm, Mẹ nói mãi mới chịu vạch tóc Mẹ ra. Đến lúc ấy Con Gái mới
giật mình xa xót. Tóc Mẹ đã bạc quá nửa rồi. Nước mắt Con Gái ứa ra, Con
Gái cố nuốt nước mắt, nhưng nước mắt cứ theo nhau chảy không gì ngăn
nổi. Đến khi Mẹ thấy vai Mẹ ươn ướt. Mẹ mới hỏi :
- Sao mày khóc thế con?
Con Gái sợ nói ra sẽ càng khóc thêm, Mẹ lại bảo:
- Cái đồ mít ướt!
Con Gái chạy đi lấy khăn lau sạch mặt rồi
vào ôm lấy Mẹ. Con Gái bảo Mẹ cho con nằm một tí nhé, rồi lát mẹ con
mình ăn cơm. Mẹ thương lắm, hỏi đi học mệt lắm hả con, Con Gái không nói
gì, bảo Mẹ cùng nằm xuống rồi con gái nằm đầu lên tay Mẹ. Mẹ gầy đi
nhiều, Con Gái ôm lấy Mẹ dư vòng tay, Con Gái đưa bàn tay Mẹ lên môi cắn
nhẹ một cái, vết cắn hiện ra mờ mờ rồi mau chóng biến mất, Con Gái lại
tự an ủi mình rằng da Mẹ vẫn căng, như thế là Mẹ vẫn đang còn trẻ. Con
gái nghe ngoại bảo thế!
Con Gái thích uống nước gừng nóng. Mẹ đã
ngâm gừng từ hôm trước lấy nước cho Con Gái đi học về uống mỗi ngày. Hết
nước, gừng vẫn còn đầy trong ly, Mẹ tiếc, đem ngào với đường làm thành
mứt. Lúc Mẹ đổ mứt ra rổ cho bớt nóng, con gái vào bếp lấy tay bốc như
con trẻ. Vừa ăn vừa nhai nhòm nhoàm, Con Gái vừa triết lí:
- Ngon he mẹ, cay cay ngọt ngọt đăng đắng như đời!
Mẹ đang đảo gừng cho ráo nước, bảo:
- Ai dạy mày nói thế hả con, mới mấy tuổi đầu.
Con Gái trề môi:
- Mẹ cứ làm như Con Gái mẹ trẻ con lắm ý.
Tính Mẹ hay chắt mót, cái áo cũ Con Gái
vứt đi, Mẹ lấy hết nút ra cất vào hộp, Mẹ bảo để khi nào cần thì đơm cho
khỏi phí. Con Gái bảo Mẹ già rồi lẩm cẩm, Mẹ chỉ bảo:
- Phung phí quá phải tội đấy con ơi!
Con Gái cười bảo nói như mẹ thì khối đứa phải tội chết lâu rồi. Mắt Mẹ thảng thốt:
- Sao mày lại ăn nói thế con?
Con Gái chẳng nói gì, vì lúc đấy Con Gái
đang nghĩ đến những kẻ tham ô lấy tiền nhà nước đi bao gái phủ phê như
vua chúa ngày xưa ấy thế mà sao mãi trời chưa phạt chúng ???
Mẹ có một cái hộp gỗ nhỏ, đã lên nước màu
sáng bóng. Cái hòm được khoá cẩn thận, Con Gái thấy nó từ khi Con Gái
còn bé tí. Mỗi khi Con Gái len lén đến gần cái hộp, Mẹ lại bảo:
- Đừng động vào đấy, khi nào thích hợp thì tao cho.
Mấy lần như vậy, Con Gái nản, không động đến cái hộp ấy nữa.
***
Sáng hôm ấy khi Con Gái dắt xe ra khỏi cửa, Mẹ hỏi, vẫn câu hỏi của mọi ngày:
- Hôm nay có về ăn không con?
Có những khi Con Gái bực bội vì đi học muộn, Con Gái xẵn giọng bảo
- Con chưa biết được.
Nhưng hôm ấy Con Gái đọc trong ánh mắt mẹ một điều gì đó như cầu khẩn, Con Gái thở dài bảo:
- Con sẽ về, mẹ nhớ nấu canh cà chua dồn thịt nhé. Con thèm!
Mẹ mừng rỡ bảo:
- Ừ mẹ nấu, để mẹ quấn bánh mì mẹ làm sẵn cho mày ăn nữa, đừng ăn cơm hàng cháo chợ nhiều, vừa đắt vừa mất vệ sinh.
Mắt Con Gái rưng rưng, Con Gái vội nổ máy
phóng xe đi. Không hiểu sao cả ngày hôm ấy Con Gái cứ thấy nóng ruột,
Con Gái nhìn đồng hồ chăm chăm mong hết giờ . Hôm ấy lại là ngày ôn tập
cuối kì. Mãi 6h, bài chưa xong nhưng Con Gái vẫn xin về, xuống nhà xe để
lấy xe về. Ra đến cổng, một người bán hoa ế mời Con Gái mấy chục bông
hồng còn tươi. Con Gái mua lấy, định bụng mang về nhà tặng Mẹ.
Con Gái mở cửa vào nhà, không thấy Mẹ ra
đón như mọi khi. Con Gái xót dạ chạy vào bếp, đã thấy cơm Mẹ dọn sẵn
sang. Nồi cơm chín đã được Mẹ đậy kĩ, nồi cà dồn thịt trên bếp vẫn nóng
cho thấy Mẹ vừa tắt lửa. Trên bàn ăn là một ly nước gừng nóng và cả đĩa
gừng cay Mẹ đã để sẵn. Nhưng Mẹ đâu rồi ? Con gái gọi:
- Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi
Con Gái chạy vào phòng, thì thấy Mẹ nằm
trên giường, Con Gái lay gọi Mẹ thì thấy hình như Mẹ không tỉnh. Bàn tay
Mẹ mới đầu âm ấm, sau đó lạnh rồi cứng dần. Con Gái gào lên hoảng loạn,
gọi cấp cứu. Xe cấp cứu đưa Mẹ đến bệnh viện, bác sĩ xem một lúc rồi
bảo Mẹ bị tăng huyết áp đột ngột, nhưng Con Gái đưa Mẹ đến muộn quá,
không cứu kịp nữa rồi. Con Gái lả người ngất đi. Con Gái chưa bao giờ
nghĩ ngày này lại đến, Mẹ vẫn còn khoẻ mà, Mẹ vừa nấu cơm cho Con Gái
đấy thôi…
Bố và nhỏ em đưa Con Gái về, Con Gái không lê bước nổi.
Con Gái vào phòng Mẹ thì thấy cái hộp gỗ
ngày nào. Con Gái đờ đi tay cầm lấy cái hộp của Mẹ, không cho ai động
vào. Mẹ bình thường là thế, vậy mà giờ đây cái hộp lại nằm trong tay Con
Gái. Con Gái tìm chìa khoá cái hộp. Ba rưng rưng bảo:
- Mẹ để dưới chiếu phía đầu giường.
Con Gái lấy mở ra. Bên trên hòm là một
chiếc khăn len màu hồng mấy năm trước Mẹ đan nhưng Con Gái không quàng,
Con Gái chê nhà quê một cục. Dưới chiếc khăn là một chiếc áo len trẻ
con, áo của con gái đã mặc ngày xưa, chiếc áo được Mẹ gấp ngay ngắn,
chiếc áo len thêu tên Con gái, rồi Con Gái lại thấy một quyển vở có
những nét chữ của Con Gái ngày Con Gái mới vào lớp 1, những nét chữ
nguệch ngoạc ấu thơ, Con giá lấp bấp :
- A, cái ca, quả cà….
Con Gái thấy một vật gì đó cồm cộm, Con
Gái lôi lên, một chiếc kiềng vàng, bên cạnh là một tờ giấy Mẹ viết ngay
ngắn: ” Của hồi môn cho Con Gái mẹ.
Thì ra đấy là tất cả gia tài của Mẹ, thế
mà Con Gái có lần đã cười nhạo cái hộp gỗ ấy, cái hộp gỗ lưu trữ cả một
thời khó nhọc của gia đình, cái hòm gỗ lưu trữ tuổi thơ Con Gái, nuốt
nước mắt vào trong, Con Gái thì thầm với Mẹ: “Con sẽ sống tốt mẹ ạ, nhất
định thế”.
--- ST --
0 comments:
Post a Comment